Đức Giesu Chịu Phép Rửa
Hoạt động công khai của Đức Giêsu khởi đầu bằng việc Ngài chịu Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Giôđan. Trong khi thánh Mátthêu cho biết thời gian xãy ra biến cố này một cách hình thức - “vào những ngày ấy” - thì thánh Luca cố ý đặt nó trong một khung cảnh rộng lớn hơn trong lịch sử nhân trần giúp chúng ta biết nó xãy ra vào một niên đại khá chính xác. (……) Ông nói nó xãy ra “thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê” (Lc 1:5). Như vậy trường hợp ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa nằm trong ranh giới lịch sử Do thái. Ngược lại câu truyện về thời thơ ấu Đức Giêsu bắt đầu bằng câu: “Thời ấy hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ” (Lc 2:1). Lịch sử bao quát hơn của thế giới, tiêu biểu là Đế quốc La mả, làm hậu trường cho câu truyện này.
Thánh Luca tiếp tục ý nghỉ này khi ông giới thiệu mẩu truyện của ông Gioan Tẩy Giả làm mào cho bước đầu hoạt động công khai của Đức Giêsu. Ở điểm này ông long trọng và rành mạch cho chúng ta biết “vào năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phôngxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lysania làm tiểu vương miền Abilên, Annat và Caipha làm thượng tế” (Lc 3:1-2). Một lần nữa khi nhắc đến hoàng đế Lamả, ông muốn nhờ đó cho thấy vị trí lịch sử của Đức Giêsu trong niên đại thế giới. Chúng ta không có ý xem hoạt động của Đức Giêsu như là một truyện thần thoại có thể luôn luôn xảy ra vào “bất cứ thời điểm nào” hoặc không bao giờ xảy ra. Đó là biến cố lịch sử có niên đại hẳn hòi; nó mang ý nghỉa trọng yếu cũng như các sự thật lịch sử khác; và cũng như các sự việc này, nó chỉ xảy ra một lần; nó hạp với mọi thời đại, nhưng không theo cung cách của một truyện thần thoại không niên biểu.
Nhưng điểm chính không nằm ở niên đại. Hoàng đế Lamả và Đức Giêsu tiêu biểu cho hai trật tự khác nhau của thực tại. Hai trật tự này không thể nào đứng riêng lẽ được, nhưng khi đi chung với nhau nó có khả năng làm nổ ra một cuộc đối đầu có hệ lụy đến các vấn nạn đặt ra cho nhân loại và cho sự sinh tồn của con người. Sau này Đức Giêsu phán “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc Xêda và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12:17), thì đó là cách diễn tả sự tương hợp chính yếu của hai phạm trù. Nhưng khi quyền lực khiến cho nhà vua tự cho mình là thần thánh, như Augúttô đã hàm ý tự xưng là kẻ mang hòa bình đến cho thế giới và là kẻ cứu độ nhân loại, thì người Kitô hữu phải ”vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5:29). Đó là lúc người Kitô hữu thành “người tử vì đạo”, chứng nhân cho Đức Kitô, Đấng mà chính mình đã là “chứng nhân trung thành” và đã chết trên thập giá dưới thời Phôngxiô Philatô (Kh 1:5). Việc thánh Luca nhắc đến Phôngxiô Philatô chiếu bóng ma cây thập tự lên buổi đầu hoạt động công khai của Đức Giêsu. Danh tính của Hêrôđê, Annat và Caipha cũng là điềm báo trước cây thập tự.
Đến đây xuất hiện một điểm khác khi thánh Luca liệt kê bên cạnh nhau danh tính của Hoàng đế và các bậc vương tôn đang chia nhau cai trị Thánh Địa. Tất cả các tiểu quốc này đều tùy thuộc Đế quốc Lamả. Vương quốc của vua Đavít vỡ ra từng mảnh, “lều trại” của ông điêu tàn (Am 9:11). Hậu duệ của ông, dưỡng phụ của Đức Giêsu, là một thợ mộc sống trong xứ Galilê phân nữa là ngoại giáo. Một lần nữa Israel lại sống trong bóng đêm, thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa; Ngài thinh lặng, hình như quên lời hứa với Tổ phụ Abraham và vua Đavít. Người ta lại nghe lời than vãn khi xưa; chúng ta không còn có những vị ngôn sứ; Thiên Chúa hình như đã bỏ dân của Người. Và chính vì vậy mà đất đai đầy bất ổn.
Các phong trào đối lập, hy vọng và chờ đợi đã tạo hình cho bầu khí tôn giáo và chính trị thời bấy giờ (……) Dầu vậy sự xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả lại là một chuyện hoàn toàn mới lạ. Phép Rửa ông bắt chịu khác với các việc tẩy rửa tôn giáo thường thực hiện. Nó không thể thực hiện lại và nó cho thấy rỏ ràng có một sự cải đổi xảy ra khiến cho cả cuộc đời quay về một hướng mới. Nó có liên kết với một tiếng gọi nồng nàn phải suy nghỉ và hành động theo một đường hướng mới, nhưng trên hết tất cả nó liên kết với việc tuyên xưng Thiên Chúa sẻ phán xét và việc công bố một người vĩ đại hơn Gioan sẻ đến. Phúc Âm thứ tư cho chúng ta biết là ông Gioan Tẩy Giả “không biết” nhân vật vĩ đại này (xem Ga1: 30-33) mà ông phải dọn đường cho. Nhưng ông biết nhiệm vụ của ông là dọn đường cho nhân vật kỳ bí này. Nói khác đi, toàn bộ tác vụ của ông đều hướng về nhân vật này.
Cả bốn Phúc Âm đều mô tả nhiệm vụ này bằng cách trưng dẫn một đoạn trong Isaia: “Có tiếng hô trong sa mạc: Hãy mở một con đường cho Đức Chúa trong sa mạc, hãy mở nó thẳng cho Đức Chúa đi” (Is 40:3). Thánh Máccô còn thêm vào Malaki 3:1 và Xuất hành 23:20, mà ta sẽ gặp lại ở các chổ khác trong Mátthêu (Mt 11:10) và Luca (Lc 1:76; 7:27): “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mc 1:2). Tất cả các đoạn văn của Cựu ước này giúp mường tượng được một sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa, Đấng từ nơi ẩn náu sẽ xuất hiện để xét xử và cứu độ; chính là cho Đức Chúa đây mà cánh cửa được mở ra và con đường được dọn sẵn. Các lời công bố xa xưa này nay thành hiện thực qua việc rao gỉảng của ông Gioan Tẩy Giả.
Chúng ta có thể tưởng tượng được ảnh hưởng phi thường do nhân vật Gioan Tẩy Giả và thông điệp của ông gây ra trong môi trường sôi sục cao độ ở Giêrusalem vào thời điểm lịch sử đặc biệt này. Rốt cục rồi cũng có một vị ngôn sứ nữa và cuộc đời của ông minh chứng cho điều này. Cuối cùng rồi bàn tay Thiên Chúa lại hành động rỏ ràng trong lịch sử. Gioan Tẩy Giả rửa bằng nước, nhưng một nhân vật cao trọng hơn sẽ rửa bằng lửa và Thánh Thần; Ngài đang đứng trước ngõ. Trước các sự kiện này, người ta không lý do gì để bảo thánh Máccô phóng đại khi ông tường thuật rằng: “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép Rửa cho họ trong sông Giođan” (Mc 1:5). Phép Rửa của ông Gioan gồm việc xưng thú tội. (……) Mục đích thật sự là bỏ lại sau đời sống tội lỗi người ta đã trải qua từ trước đến giờ và bắt đầu bước vào con đường dẫn đến một đời sống đổi mới.
Nghi thức Rửa tội thời bấy giờ làm biểu hiệu cho các điểm sau đây. Một mặt, nhận chìm vào nước tiêu biểu cho sự chết, nhắc cho ta hình ảnh chết chóc do sức tiêu diệt, phá hoại của nước đại dương. Ý kiến cổ xưa coi đại dương luôn luôn là mối đe dọa cho vũ trụ và cho địa cầu; nó là trận đại hồng thủy xưa kia đã dìm chết hết mọi sinh vật. Con sông (Gio đan) cũng có thể mang ý nghỉa tượng trưng như thế cho những ai được dìm trong nước của nó. Nhưng trên hết mọi sự, nước con sông làm tiêu biểu cho sự sống. Các con sông lớn - sông Nilê, sông Êuphratê, sông Tigrê – là những con sông lớn mang lại sự sống.
Con sông Giođan - ngay cả ngày nay- cũng là nguồn gốc sự sống cho những vùng xung quanh. Dìm mình vào nước là tẩy rửa cho sạch, là gột sạch cái bẩn thỉu của quá khứ làm cho cuộc đời nặng gánh và lệch lạc - là bắt đầu lại và đó có nghỉa là chết đi và sống lại, là bắt đầu lại đời sống mới. Vậy là chúng ta có thể nói đó là làm một cuộc tái sinh. (……)
Cả xứ Giuđê và thành Giêrusalem đến nhận phép Rửa lúc hành hương, như ta vừa nghe. Nhưng khi đó lại xãy ra một sự kiện mới. “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nagiarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép Rửa dưới sông Giođan” (Mc 1:9). Từ trước đến giờ chưa nghe nói có ai đi hành hương từ miền Galilê; mọi hoạt náo hình như quanh quẩn trong vùng Giuđê. Nhưng điều mới lạ ở đây không nằm ở chổ Đức Giêsu đến từ một miền địa dư khác, từ một vùng đất xa xôi kia. Điều mới lạ thật sự nằm ở chổ chính Ngài
- Đức Giêsu - muốn chịu phép Rửa, Ngài hòa mình vào đám dân đen tội lỗi đang chờ bên bờ sông Giôđan. Chúng ta vừa mới nghe là việc xưng thú tội làm một phần của phépRửa. Chính phép Rửa đòi phải xưng thú tội và gắng sức xa lánh cuộc sống đã hỏng trước kia để tiếp nhận một cuộc sống mới. Đó là điều Đức Giêsu làm được sao? Làm sao Ngài phải xưng thú tội? Làm sao Ngài có thể tách mình khỏi cuộc sống trước đây để bắt đầu một cuộc sống mới? Đó là câu vấn nạn mà người Kitô hữu không thể không đặt ra. Cuộc tranh luận giữa ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu mà thánh Mátthêu kể lại cũng diễn đạt chính câu hỏi mà các Kitô hữu thời đầu hỏi Đức Giêsu: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép Rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi?” (Mt 3:14). Mátthêu kể tiếp cho chúng ta là “Đức Giêsu trả lời ông: Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gioan mới chịu theo ý Người” (Mt 3:15).
Thật không dễ lần ra ý nghỉa câu trả lời bí ẩn chánh đáng này. Dầu sao đi nữa thì từ Hy lạp - árti - dịch là “bây giờ”, hàm ý là có một chút hạn chế nào đó. Đó là một hoàn cảnh đặc biệt tạm thời đòi hỏi một hướng hành động đặc biệt. Chìa khóa giúp giải thích câu trả lời của Đức Giêsu nằm ở chỗ ta hiểu thế nào chữ “đức công chính”. Đức công chính phải được giữ trọn. Thời Đức Giêsu, công chính có nghỉa là con người sống theo sách Tôra, chấp nhận toàn bộ thánh ý Thiên Chúa, mang vào cổ “cái ách của vương quốc Thiên Chúa”, như đã chỉ dạy. Trong sách Tôra không chỗ nào dự kiến cho phép Rửa của Gioan, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu là cách Ngài nhìn nhận rằng làm việc đó để nói lên lời xin Vâng hoàn toàn theo thánh ý của Thiên Chúa, một sự vâng lời chấp nhận mang cái ách của Thiên Chúa.
Hành động bước vào trong nước rửa tội bao hàm việc xưng thú tội và khẩn xin ơn tha thứ để bắt đầu bước mới. Trong một thế giới hằn vết tội lỗi thời đó, thì lời thưa Vâng này để hoàn toàn tuân theo thánh ý Thiên Chúa, cũng còn nói lên sự liên kết với con người, kẻ đã vướng vòng tội lụy nhưng vẫn ao ước sự công chính. Ý nghỉa của biến cố này chỉ có thể hiện lên đầy đủ khi ta nhìn nó dưới ánh sáng của cây Thập tự và sự Phục sinh. Bước vào trong nước, các ứng viên chịu phép Rửa xưng thú tội của mình và tìm cách rũ sạch gánh nặng tội lụy. Đức Giêsu đã làm gì trong hoàn cảnh tương tợ như vậy? Trong sách Phúc Âm của ông, thánh Luca chú tâm nói đến việc Đức Giêsu cầu nguyện và nhiều lần nhắc đến việc này, ông cho ta biết Đức Giêsu đang cầu nguyện khi Ngài chịu phép Rửa (xem Lc 3:21). Nhìn các sự việc dưới ánh sáng của cây Thập tự và sự Phục sinh, người Kitô hữu mới nhận thức được điều gì đã xãy ra. Đức Giêsu mang lên vai gánh nặng tội lỗi của nhân loại, Ngài mang nó xuống tận vùng nước sâu của sông Giođan. Ngài mở màng cho hoạt động công khai của Ngài bằng việc bước sâu vào nơi chốn của người tội lỗi. Hành động mở màng của Ngài là cách gợi cho thấy trước hình ảnh cây Thập tự. Như vậy, Ngài là Giona thật, người đã nói với thủy thủ trên tàu: “Hãy đem tôi ném xuống biển” (Gn 1:12). Toàn bộ ý nghỉa của việc Đức Giêsu chịu phép Rửa, việc Ngài giữ trọn “đức công chính” thể hiện rỏ trên cây Thập tự. Chịu phép Rửa là chấp nhận chết vì tội lỗi nhân loại, và tiếng nói từ trời phán, “Đây là Con yêu dấu của Ta” ở nơi rửa tội là điềm ám chỉ trước việc Phục sinh. Đây cũng là lý do tại sao Đức Giêsu dùng từ phép rửa để ám chỉ cái chết của Ngài trong các buổi đàm đạo (xem Mc 10:38; Lc 12:50).
Chỉ khi bắt đầu từ cái nhìn này, ta mới có thể hiểu được phép Rửa của người Kitô hữu. Việc Đức Giêsu chịu phép Rửa là điềm báo trước Ngài chết trên cây Thập tự, và tiếng phán từ trời là điềm báo trước Ngài sẻ Phục sinh. Các điềm báo trước này nay đã thành sự thật. Phép Rửa bằng nước của ông Gioan đã có ý nghỉa đầy đủ qua cuộc sống và cái chết của Đức Giêsu trong phép Rửa. Chấp nhận lời mời gọi chịu phép Rửa có nghỉa là đi đến chổ Đức Giêsu chịu phép Rửa. Đó là đi đến chổ ở đó Ngài đồng hóa Ngài với chúng ta và ta lãnh nhận ở đó ơn được đồng hóa với Ngài. Tụ điểm ở đó Ngài tiên báo cái chết nay trở thành tụ điểm ở đó ta được tiên báo sẽ sống lại với Ngài. Thánh Phaolô triển khai sự liên hệ sâu kín này trong thần học về phép Rửa của ông (xem Rm 6), dù ông không nhắc đến tỏ tường việc Đức Giêsu chiu phép Rửa bên bờ sông Giođan.
(……) Việc Đức Giêsu chịu phép Rửa được hiểu như là một việc nhắc lại toàn bộ lịch sử, trong đó quá khứ được tóm lược và tương lai được tiên báo. Ngài đi vào trong thế giới tội lỗi của kẻ khác là bước xuống “âm ty địa ngục”. Nhưng Ngài xuống đó không phải trong tư cách là một khán giả; trái lại, Ngài xuống đó như một kẻ, vì chịu chung đau khổ với người khác để biến đổi đau khổ này, đả làm đảo lộn trần gian, xô sập và mở toang cánh cửa của vực thẩm. Ngài chịu phép Rửa coi như Ngài xông vào hang ổ sự dữ, chiến đấu với “kẻ mạnh” (Lc 11:22), kẻ đã tù hãm con người (sự thật thì tất cả chúng ta đều bị các thế lực vô danh điều khiển giam hãm rất nhiều!). Xuyên suốt qua dòng lịch sử, trần gian không có uy lực để chiến thắng “kẻ mạnh”; kẻ mạnh hơn nó mới chiến thắng và kìm hãm nó; kẻ này, vì ngang hàng với Thiên Chúa, mới có thể mang lên người tất cả tội lụy của trần gian và gánh chịu cho tới cùng - không bỏ qua một chút gì trên con đường đi xuống để tự đồng hóa mình với con người sa đọa. Cuộc chiến này là sự “cải đổi” cái hiện tại để chuyển nó sang tình trạng mới, thành trời mới đất mới. Nhìn từ khía cạnh này, bí tích Rửa tội hiện lên như là một ân huệ khiến ta tham dự với Đức Giêsu vào cuộc chiến thay đổi thế giới khi ta thay đổi đời sống qua việc Ngài bước xuống nước và bước trở lên.
(……) Cũng là điều hữu ích khi nghe lại Phúc âm thứ tư trong bối cảnh này. Theo thánh Gioan kể, lần đầu khi diện kiến Đức Giêsu, ông Gioan Tẩy giả thốt lên: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29). Những lời này , được đọc lên trước khi phân phát Thánh Thể, đã là dịp gây nhiều lúng túng. Chiên Thiên Chúa mang ý nghỉa gì? Tại sao gọi Đức Giêsu là Chiên và tại sao Chiên này xóa bỏ tội trần gian, chiến thắng tội đến độ tước nó khỏi hiện tại và làm nó mất luôn bản chất?
Nhờ công trình của Joachim Jeremias, chúng ta có được chìa khóa để hiểu đúng đắn những lời này và xem chúng như là những lời vàng ngọc của ông Gioan Tẩy giả - ngay cả khi đứng trên phương diện lịch sử. Trước tiên, các lời này ám chỉ hai sự kiện trong Cựu ước mà ta có thể nhận ra được. Bài Ca người Tôi trung đau khổ trong sách tiên tri Isaia so sánh người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa như chiên bị mang đi giết: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,người chẳng hề mở miệng” (Isaia 53:7).
Quan trọng hơn nữa, Đức Giêsu bị đóng đinh trong ngày lễ Vượt qua, và từ lúc đó trở đi Ngài chỉ có thể được xem như Chiên Vượt qua, trong Ngài mới thể hiện đầy đủ ý nghỉa của Chiên Vượt qua của thời kỳ Xuất hành khỏi đất Ai cập: được giải thoát khỏi quyền lực sự chết ở Ai cập và được phóng thích để Xuất hành, thực hiện cuộc hành trình đi vào cuộc sống tự do trong đất hứa. Dưới ánh sáng Phục sinh, hình ảnh chiên này mang một ý nghỉa quan trọng căn bản để hiểu về Đức Kitô. Ta gặp điểm này ở thánh Phaolô (xem 1Cr 5:7), ở Gioan (xem Ga 19:36), ở thư thứ nhất của thánh Phêrô (xem 1Pr 1:19), và ở trong sách Khải huyền (thí dụ Kh 5:6).
Jeremias còn lưu ý thêm là từ Do thái talia có nghĩa là “chiên”, là ”đứa trẻ”, là “tôi tớ”. Trường hợp thứ nhất, ông Gioan Tẩy giả có ý dùng các lời này để nói về người Tôi trung của Chúa gánh vác tội nhân thế bằng việc làm đại diện đền tội thay. Nhưng nhắc đến điểm này cũng là đồng hóa Ngài với chiên Vượt qua thực đã đền tội và xóa sạch tội lỗi thế gian. Nếu vào giờ phút bị áp bức cùng cực của Israel ở Ai cập, máu chiên Vượt qua đã là bí quyết để dân được giải phóng, thì bây giờ người Con, kẻ đã trở thành người tôi trung, - người chăn chiên đã trở thành con chiên - không chỉ thay mặt cho một mình Israel, mà còn cho cả thế giới - cho toàn thể nhân loại - để giải phóng chúng.
Điều này dẫn chúng ta đến tiêu đề vĩ đại nói về sứ mạng của Đức Giêsu. Israel hiện hữu không chỉ cho riêng mình; Israel được chọn như con đường Thiên Chúa dùng để đến với hết mọi người. Tư tưởng về sự phổ cập này sẻ phát hiện trở đi trở lại làm cốt lỏi thật sự cho sứ mạng của Đức Giêsu. Khi nhắc đến Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, tác giả Phúc âm thứ tư đặt tư tưởng này ngay vào lúc Đức Giêsu khởi đầu cuộc hành trình của Ngài.
Nhắc đến Chiên Thiên Chúa là giải thích việc Đức Giêsu chịu phép Rửa, việc Ngài bước xuống vực thẩm sự chết như là thần học về Thánh giá, nếu ta nói được như vậy. Cả bốn quyển Phúc âm đều nói đến bằng nhiều cách khác nhau về biến cố xãy ra khi Ngài từ dưới nước bước lên: “các tầng trời xé ra”(Mc 1: 10) hoặc “trời mở ra”(Mt 3:16; Lc 3:21); Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài “như chim câu”, và giữa lúc xãy ra các việc này lại có tiếng từ trời phán. Theo thánh Máccô và thánh Luca, tiếng nói với Đức Giêsu gọi Ngài: “Con là… “; theo thánh Mátthêu tiếng nói gọi Ngài bằng ngôi thứ ba: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17).
Hình ảnh chim câu có thể gợi nhớ đến thánh thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước trong câu truyện sáng thế (St 1:2), từ “như” gợi ý đó là “một cái gì tương tự nhưng cuối cùng không thể mô tả được”. Cũng lại tiếng nói từ trời đó phán ra lúc Đức Giêsu biến hình, nhưng lại kèm theo mệnh lệnh “hãy nghe lời Người”. Ta sẻ suy ngắm kỹ hơn về ý nghĩa của những lời này khi đến mục Biến Hình.
Đến đây, tôi muốn ngắn ngủi nêu lên ba phương diện của bối cảnh này. Thứ nhứt là hình ảnh các tầng trời xé ra. Trời mở ra trên đầu Đức Giêsu. Việc Ngài hiệp nhứt ý chí với Chúa Cha, việc Ngài hoàn toàn giử trọn “đức công chính” làm mở cửa các tầng trời, chính đây là nơi thánh ý Thiên Chúa được thể hiện cách trọn hảo. Kế tiếp là việc Chúa Cha công bố sứ mạng của Đức Giêsu. Lời công bố này không nói lên việc Đức Giêsu làm, nhưng cho biết Ngài là ai. Ngài là người Con yêu đấu mà Thiên Chúa vui lòng. Sau cùng, tôi muốn nêu lên là trong khung cảnh này ta gặp cùng với Chúa Con, cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bắt đầu hiện lên, cho dù ý nghỉa cao siêu của nó chỉ được mặc khải đầy đủ khi Đức Giêsu hoàn tất hành trình của Ngài. Chính vì lý do này mà ta thấy có một vòng cung nối kết buổi đầu hành trình của Ngài với các lời Ngài nói sau ngày Ngài Phục sinh, khi sai các môn đệ đi giảng dạy thế giới: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19). Phép Rửa mà các môn đệ làm từ khi Ngài phán những lời trên đưa ta vào chính phép Rửa của Thầy Thánh - vào cái hiện thực mà Ngài tiên báo qua phép Rửa này. Đó là con đường trở thành Kitô hữu. (……)
Trích dịch Chương1, quyển Jesus of Nazareth
Của ĐTC Bênêđictô XVI bản tiếng Anh